Trong thời gian vừa qua, mình có nhận được rất nhiều thắc mắc liên quan đến vấn đề bối rối trước những câu hỏi trước khi mua hosting, VPS hoặc Dedicated Server. Thật sự mà nói, hiện nay chưa có tài liệu tiếng Việt nào để giải thích rõ những vấn đề cần biết cho những người cần tham khảo trước khi bỏ tiền ra thuê host.
Để phục vụ nhu cầu giải đáp cho các độc giả hiện tại và sau này, mình đã soạn ra được một cẩm nang ngắn để cho các bạn đọc trước khi tiến hành mua host. Tại bài này, mình sẽ nêu ra toàn bộ những vấn đề lưu ý khi chọn mua host dựa theo những gì mình biết được.
I. Host là gì, tại sao phải thuê?
1.1) Host là gì?
Host trong tiếng Anh dịch ra có rất nhiều nghĩa, trong đó nghĩa dành cho nghành công nghệ thông tin là máy chủ. Host nghĩa là một máy tính có cấu hình rất mạnh, được đặt tại một vị trí chuyên biệt dành cho máy chủ (Datacenter), được kết nối đường truyền internet tốc độ cao để phân tán dữ liệu lên môi trường internet bằng cách cho phép người dùng tải dữ liệu hoặc gửi dữ liệu lên.
Trong WordPress, mã nguồn của họ sử dụng ngôn ngữ server-side PHP (nghĩa là được biên dịch và xử lý bởi môi trường server) và hệ quản trị cơ sở dữ liệu (database) MySQL nên bạn cần có một cái host có hỗ trợ chương trình biên dịch và xử lý PHP, đồng thời có cài MySQL Client để xử lý truy vấn trong database.
Nói nôm na rằng, nếu bạn sử dụng WordPress.Org thì bạn cần phải có một cái host thì bạn mới chạy nó được. Từ đó bạn mới có thể đưa website của mình lên internet.
1.2) Sự liên quan giữa Host và Domain (tên miền)
Trong bài này mình không nói nhiều về domain nhưng khi nhắc qua host mình cũng nên nói qua nó một chút để nếu bạn nào còn thắc mắc thì có mà đọc. Các khái niệm về domain thì mình đã có giải thích tại đây nên bạn chịu khó vào đọc nhé.
1.3) Thuê host hay là mua host?
Cái này chỉ là vấn đề nhỏ thôi nhưng việc biết nó cũng ít nhiều gì cũng có ích.
Nếu nói về host, thì bạn có thể gọi là mua host hoặc thuê host gì cũng được, nhưng chính xác nhất thì là thuê host. Sở dĩ chúng ta gọi là thuê bởi vì bạn phải trả tiền sử dụng theo hàng tháng vì chi phí cho các thứ như mạng, cơ sở hạ tầng của datacenter, tủ rack đựng máy chủ, máy chủ vật lý đều là của họ.
II. Host Việt Nam và Host Nước Ngoài
2.1) Host Việt Nam là như thế nào?
Host Việt Nam không phải hoàn toàn là nhà cung cấp đó tại Việt Nam, mà một yếu tố nữa đó là các máy chủ được đặt tại một (hoặc nhiều) datacenter tại Việt Nam.
Theo mình biết thì Việt Nam ta đang có khoảng 5 datacenter trên cả nước. Trong đó 1 datacenter tại Bình Dương và 4 datacenter tại Hà Nội, cụ thể:
- IDC Viettel Datacenter (Bình Dương)
- FPT Datacenter (Hà Nội)
- GDS Hà Nội – Thăng Long
- Hanel – CSF Datacenter (Hà Nội)
- Telehouse International Vietnam (Hà Nội)
Ưu điểm của Host Việt Nam
- Tốc độ truy cập trong nước rất nhanh vì sử dụng chung một hạ tầng, băng thông nội bộ và khoảng cách địa lý từ người dùng đến datacenter thấp.
- Dễ mua, dễ thanh toán.
- Dễ yêu cầu hỗ trợ.
- Không bất đồng ngôn ngữ.
Nhược điểm của Host Việt Nam
- Giá hơi cao do mặt bằng băng thông cao so với Châu Âu hay Mỹ.
- Bảo mật nhiều nơi rất có vấn đề, nhất là với dịch vụ Shared Host.
- Tác phong phục vụ có thể gọi là hên xui.
- Và còn nhiều nữa mà bạn cứ nên dùng đi rồi tự cảm nhận.
2.2) Host Nước Ngoài là như thế nào?
Ngắn gọn là các nhà cung cấp host này có trụ sở và máy chủ không đặt tại Việt Nam. Hiện nay một số nơi đặt datacenter thông dụng nhất trên thế giới cho các dịch vụ hosting là:
- Dallas, Texas, Mỹ.
- Amsterdam, Hà Lan.
- Michigan, Mỹ.
- Singapore
- London, Anh.
- Stockholm, Thụy Điển.
- Berlin, Đức.
Đó chỉ là nơi đặt server, còn trụ sở datacenter thì hiện nay rất nhiều nhà cung cấp đều có một datacenter riêng của họ chứ ít khi thuê của ai.
Ưu điểm của host nước ngoài
- Tác phong phục vụ chuyên nghiệp.
- Nhiều chương trình khuyến mãi.
- 100% đều có hỗ trợ hoàn tiền trong 30 ngày nếu không hài lòng.
- Tốc độ truyền tải đi toàn cầu rất tốt. Ở Việt Nam nếu ping sang host nước ngoài thì chỉ khoảng từ 250 đến 300ms. Nhưng ở nước ngoài ping về VN thì ít nhất là 450ms (mình dùng mạng 30MB).
- Cấu hình phần mềm của host phổ biến, đáp ứng tốt nhu cầu của WordPress.
Nhược điểm của host nước ngoài
- Bất đồng ngôn ngữ.
- Khó khăn khi mua và thanh toán. Khi mua họ cần phải chứng thực qua CMND hoặc gọi điện. Và bạn chỉ có thể thanh toán qua Credit Card (Visa/Mastercard) hoặc PayPal.
- Số lượng quá nhiều khó chọn.
- Nhiều chỗ không chào đón người Việt cho lắm.
Còn các nhà cung cấp host nước ngoài tiêu biểu thì mình đã liệt kê ở phần dưới theo từng chủng loại, bạn có thể mua ở các nhà cung cấp đó vì họ đều là các nhà cung cấp có uy tín.
III. Các loại host thông dụng
Về khái niệm chung thì host để chạy WordPress chia ra 6 loại như sau:
3.1) Free Hosting – Host miễn phí
Host miễn phí nghĩa là một dịch vụ cho phép bạn đăng ký một gói host với chi phí bằng không, thường được những người mới tìm hiểu làm web hoặc chưa có kinh phí thuê host riêng tìm kiếm.
Ưu điểm của host miễn phí
Ưu điểm duy nhất là bạn có một host riêng trên môi trường internet hoàn toàn miễn phí, không mất tiền thuê hàng tháng để làm website.
Nhược điểm của host miễn phí
Host miễn phí chứa rất nhiều nhược điểm, tiền nào thì của nấy. Thường thì nó chứa các nhược điểm như:
- Đa phần không hỗ trợ thêm domain riêng.
- Tài nguyên được phép sử dụng rất thấp.
- Tốc độ chậm.
- Bảo mật cực kỳ kém.
- Nhiều nhà cung cấp bắt bạn phải treo quảng cáo lên website.
- Cấu hình phần mềm lỗi thời, đa phần đều dễ gặp lỗi khi cài WordPress.
Xem thêm: Danh sách các host miễn phí tiêu biểu
3.2) Shared Hosting – Host sử dụng chung tài nguyên
Shared Host không phải là hosting do người khác share (chia sẻ) miễn phí với bạn, mà shared hosting nghĩa là các gói host (bao gồm miễn phí và trả phí) được sử dụng chung một nguồn tài nguyên trên máy chủ như RAM, CPU, Dung lượng đĩa, Băng thông,…Và dĩ nhiên, các gói shared hosting đều nằm trên chung một máy chủ vật lý.
Đây là loại host phổ biến nhất và thường được dùng để làm host chính thức cho các website từ nhỏ tới trung bình. Nếu bạn vào blog Thachpham.com và thấy các bài như nói về A2Hosting, Hostgarou, StableHost thì đó là các dịch vụ shared hosting. Thường thì ở đây người ta sẽ không gọi là shared hosting mà chỉ gọi ngắn gọn là host mà thôi. Nếu bạn là người mới xây dựng website thì sẽ dùng loại này.
Ưu điểm của Shared Host
- Dễ sử dụng vì luôn có control panel (bảng điều khiển) riêng. Ai cũng có thể sử dụng được, làm quen chỉ mất vài giờ là xong.
- Được kỹ thuật viên hỗ trợ kỹ thuật khi có sự cố, lỗi.
- Rẻ, thường có giá dao động từ $2 cho đến $12/tháng.
- Có thể cài nhiều website lên một gói Shared Host.
- Có cài các phần mềm cần thiết để chạy website. Bạn chỉ cần mua Shared Host về rồi vào cài mã nguồn WordPress lên mà thôi. (xem thêm hướng dẫn)
- Tốc độ cao nếu bạn mua shared host tại các nha cung cấp uy tín (Xem thêm 7 dịch vụ host tốt nhất cho WordPress giá từ rẻ đến cao).
Nhược điểm của Shared Host
- Bị giới hạn tài nguyên sử dụng. Một số nhà cung cấp thì giới hạn CPU, một số nhà cung cấp thì giới hạn băng thông, dung lượng.
- Bảo mật tương đối. Do là dùng chung một hệ thống server nên nếu các website khác trên server bị tấn công thì bạn ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.
- Thi thoảng sẽ bị downtime (thời gian mất kết nối) khiến website không truy cập được.
- Chỉ thích hợp với các website nhỏ và vừa (khoảng 0 đến 5000 lượt truy cập mỗi ngày).
Các dịch vụ Shared Host tiêu biểu
Xem danh sách tại đây.
Các bài tham khảo về Share Host
- 4 sự thật đau lòng của Shared Host.
- Cách mua host nước ngoài (ví dụ là ở StableHost nhưng bạn có thể áp dụng với các trang khác).
3.3) Virtual Private Server (VPS) – Máy chủ ảo riêng
Nếu như website bạn phát triển vượt quá mức tài nguyên cho phép của các dịch vụ Shared Host thì giải pháp mà bạn cần hướng đến đó là các dịch vụ VPS.
VPS thì cũng có chức năng như host thôi (vì nó cũng nằm trên một server vật lý mà) nhưng cái khác là nó được cấp một lượng tài nguyên nhất định để sử dụng độc lập, không ảnh hưởng bởi các website khác trên cùng một server.
Ở Shared Host là bạn đã được cài sẵn hệ điều hành, các ứng dụng liên quan để chạy website. Nhưng ở VPS lại khác, nó không được cài gì cả ngoại trừ hệ điều hành như Microsoft Windows Server, Ubuntu, CentOS, Debian, Fedora,… (bạn có thể tự chọn hệ điều hành) và nhiều nhà cung cấp VPS hiện nay đều hỗ trợ bạn tự cài lại hệ điều hành khi có vấn đề.
Giá trung bình cho một dịch vụ VPS ở thời điểm này là từ $15/tháng đến $300/tháng tùy theo mức độ “khủng” của nó.
Ưu điểm của VPS
- Tốc độ cao do không bị ảnh hưởng bởi các website khác.
- Bảo mật tốt vì không bị ảnh hưởng bởi các “hàng xóm”.
- Tự do tùy chỉnh mọi thiết lập trong server để web chạy tốt nhất.
- Cài bao nhiêu phần mềm tùy thích.
Nhược điểm
- Cần có kiến thức về quản trị mạng máy tính và hiểu cơ chế hoạt động của nó. Nói chung là khó sử dụng cho người tay ngang.
- Nếu bạn không tự quản trị được thì chi phí các dịch vụ quản trị VPS thường hơi đắt, từ $45 đến $100 mỗi tháng.
- Bạn chịu trách nhiệm hoàn toàn về dữ liệu được lưu trên đó, trừ khi bạn có dùng thêm các dịch vụ hỗ trợ backup VPS.
Các dịch vụ VPS tiêu biểu
- SSD VPS tại AZDIGI
- DigitalOcean
- Linode
- A2Hosting VPS
- Site5 VPS (có máy chủ Hongkong, Singapore)
Tuy nhiên VPS không phải là quá khó để quản trị lắm đâu. Nếu bạn có VPS mà chưa hiểu cách sử dụng hoặc cần tìm hiểu cách sử dụng VPS thì nên xem serie Học VPS căn bản để tự thiết lập một webserver cho WordPress và biết cách thao tác trên VPS.
3.4) Dedicated Server – Máy chủ riêng
Dedicated Server là một lựa chọn cao cấp dành cho các website lớn hoặc cần nhiều tài nguyên hơn cả VPS. Dedicated Server nghĩa là thuê cả một máy chủ riêng được đặt trong hệ thống, và cách sử dụng có thể gọi là gần giống như VPS nhưng bạn sẽ có nhiều quyền hạn hơn, tài nguyên dồi dào hơn, bảo mật tốt hơn.
Hiện nay giá của một Dedicated Server thường ít nhất là $100/tháng và cao nhất có thể lên đến vài nghìn đô-la Mỹ.
Ưu điểm của Dedicated Server
- Chịu được lượng truy cập cực lớn.
- Tài nguyên sử dụng dồi dào.
- Tự ý cài hệ điều hành và phần mềm tùy thích.
- Bảo mật tối đa.
Nhược điểm của Dedicated Server
- Khó sử dụng cho người không chuyên.
- Tự quản trị server, nếu bạn thuê phí quản trị thì sẽ trả giá có khi bằng một nửa giá thuê server.
- Tự chịu trách nhiệm các dữ liệu của bạn.
- Giá cả đắt đỏ.
Các dịch vụ Dedicated Server tiêu biểu
- OVH – Rẻ, tốt nhưng chỉ dùng nếu bạn không cần trợ giúp bất cứ cái gì liên quan tới kỹ thuật.
- InmotionHosting – Cấu hình mạnh, tốc độ mạng tốt, hỗ trợ nhanh.
- Online.Net – Tốt nhưng hỗ trợ khách hàng không tốt.
3.5) Cloud Hosting
Đây là một mô hình web hosting mới được sử dụng rộng rãi vài năm gần đây nhưng bù lại mô hình này đáp ứng được một số nhược điểm của VPS và Dedicated Server cũng như cải thiện hiệu suất sử dụng lên nhiều lần.
Cloud Hosting (hệ thống host sử dụng công nghệ điện toán đám mây – Cloud Computing) nghĩa là một mạng nhiều máy chủ tập hợp lại thành một mạng đám mây và cho phép người dùng truy cập nó cùng thời điểm. Nói chính xác hơn, nghĩa là nhiều máy tính tập hợp lại và cung cấp tài nguyên cho người dùng.
Hiện nay đa phần mô hình Cloud Hosting đều áp dụng vào việc tạo Cloud VPS hoặc Cloud Dedicated Server chứ Shared Host thì chưa có. Giá cả về dịch vụ này khoảng từ $5 đến $500 mỗi tháng.
Ưu điểm của Cloud Hosting
- Sử dụng nhiều tài nguyên hơn.
- Tiết kiệm chi phí. Họ sẽ tính phí dựa trên thời gian bạn sử dụng, chẳng hạn như họ mặc định mỗi giờ sử dụng là $0,002. Bạn không dùng lúc nào thì tắt đi thì sẽ tiết kiệm hơn.
- Thời gian khởi tạo server cho khách hàng nhanh và có thể hoàn toàn tự động.
- Bạn có thể xóa nếu không dùng nữa.
- Có đầy đủ quyền quản trị như VPS hoặc Dedicated Server.
- Hỗ trợ nhiều datacenter ở khắp các châu lục.
Nhược điểm của Cloud Hosting
- Đa phần các dịch vụ này kiêm luôn phí quản trị nên giá hơi cao.
- Không dành cho newbie.
- Bị phụ thuộc vào mạng đám mây, nếu nó offline thì bạn cũng offline.
- Khó nhận được hỗ trợ tối ưu vì hệ thống quá lớn, các kỹ thuật viên mất rất nhiều thời gian để hỗ trợ.
- Cloud Hosting nghĩa là dữ liệu của bạn sẽ không nằm cố định trên một datacenter nào cả. Làm sao bạn chắc chắn nó được bảo mật tốt?
Các website dịch vụ Cloud Hosting tiêu biểu
3.6) WordPress Managed Hosting
Trong khi các dịch vụ host ở trên đều cho phép bạn chạy bất cứ mã nguồn website nào và tự quản trị thì gói WordPress Managed Hosting lại hoàn toàn ngược lại. Đây là một loại host cao cấp được thiết kế dành riêng cho WordPress để đạt hiệu suất cao nhất.
Điều này có nghĩa là mọi thiết lập bên trong Server và phần mềm đều tương thích tốt nhất với WordPress để website bạn an toàn hơn, tốc độ hơn và đặc biệt là họ kiêm luôn quản trị server, bảo mật cho bạn.
Ưu điểm của WordPress Managed Hosting
- Tương thích tốt nhất với WordPress.
- Tốc độ cao.
- Bảo mật tốt, kiêm luôn chống DDoS và chống Malware.
- Cấu hình mạnh mẽ.
- Được hỗ trợ kỹ thuật các vấn đề liên quan đến WordPress toàn diện.
Nhược điểm của WordPress Managed Hosting
- Bị giới hạn lượt truy cập ở mỗi gói.
- Giá thuê mỗi tháng khá cao (ít nhất $20 và cao nhất là vài chục nghìn đô-la mỗi tháng).
- Bị hạn chế sử dụng các plugin gây ảnh hưởng đến server.
Các dịch vụ WordPress Managed Hosting tiêu biểu
- WPEngine
- MediaTemplate WordPress Managed
- Synthesis
- Page.ly
- WordPress VIP
- Flywheel (dành cho developer)
IV. 5 lưu ý chung khi chọn dịch vụ hosting
4.1) Không mua host ở các nhà cung cấp domain
Các nhà cung cấp domain lớn nhất và uy tín nhất trên thế giới như Godaddy, Namecheap, NetworkSolutions,…đều có kèm dịch vụ web hosting nhưng chất lượng thì rất tệ. Đa phần họ đều không có datacenter riêng (ngoại trừ 1&1) và xây dựng dịch vụ này với mục đích kiếm thêm chứ họ chỉ tập trung tốt nhất vào dịch vụ đăng ký domain.
Nếu có mua, hãy chọn mua ở các nhà cung cấp chuyên về host mà mình đã liệt kê ở trên. Còn Godaddy, Namecheap thì để dành mua domain là tốt nhất.
4.2) Tránh các lời rao trên Facebook
Ở một số group bạn có thể thấy có rất nhiều người vào đó rao dịch vụ host giá rẻ với những lời mời chào rất hấp dẫn như băng thông không giới han, tốc độ cao, tặng 3 tháng sử dụng, hỗ trợ trọn đời (nực cười),…bla bla…Nhưng đó đều là các dịch vụ rởm hoặc mới ra đời không ai dám kiểm chứng.
Các nhà cung cấp có uy tín họ đều có đủ khả năng tạo ra các chiến dịch truyền thông cực tốt nên không cần phí thời gian rao vặt vảnh như thế.
4.3) Không mua của cá nhân
Dịch vụ host là một dịch vụ nhạy cảm vì nó ảnh hưởng đến việc kinh doanh, an toàn thông tin của bạn. Tốt nhất hãy gửi gắm các dữ liệu đó cho các công ty lớn vì có thể bạn sẽ cần hỗ trợ rát nhiều.
4.4) Lựa chọn datacenter phù hợp
Có rất nhiều nhà cung cấp host hiện nay hỗ trợ bạn tự chọn datacenter khi đăng ký. Nếu bạn biết cách chọn datacenter thì tốc độ sẽ nhanh được như ý muốn mà không cần dùng các datacenter trong nước.
Cụ thể, nếu họ cho phép thì hãy ưu tiên chọn các datacenter tại Châu Á như Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Việt Nam.
Còn nếu họ chỉ có các server tại Mỹ thì hãy ưu tiên theo thứ tự như:
- Los Angeles, California.
- Seattle, Washington.
- San Jose, California.
- Santa Clara, California.
- Houston, Texas.
- Dallas, Texas.
- Atlanta, Georgia.
Một lưu ý nữa khi chọn các server tại Mỹ là họ cấm bạn upload các ấn phẩm số có vi phạm bản quyền như phần mềm, nhạc, phim.
Còn ở Châu Âu thì có thể chọn:
- Nga.
- Thổ Nhĩ Kỳ.
- Ba Lan.
- Hà Lan.
- Đức.
- Thụy Điển.
Vấn đề bản quyền ở Châu Âu thì dễ dãi hơn, đó là lý do tại sao các dịch vụ Torrent đều đặt máy chủ tại Châu Âu, trong đó bao gồm các trang nhạy cảm như Wikileak, Liveleak đều đặt tại Châu Âu.
4.5) Tìm kiếm thông tin trước khi mua
Trước khi đặt niềm tin vào họ thì tốt nhất bạn hãy lên mạng tìm kiếm các thông tin đánh giá từ những người sử dụng trước xem có tốt không để khỏi phải mất thời gian vô ích.
Đối với các host nước ngoài thì bạn sẽ dễ tìm đánh giá hơn, có một forum thảo luận về host rất nổi tiếng và uy tín tại nước ngoài đó là WebHostingTalk, bạn có thể vào đó tìm đánh giá.
4.6) Tìm hiểu chế độ hoàn tiền (refund, money back)
Hầu hết các dịch vụ Shared Host, Managed Hosting đều có chế độ hoàn tiền ít nhất là 30 ngày, 7 ngày đối với VPS và đa phần là không hoàn tiền với Dedicated Server và Cloud Hosting.
Do đó nếu bạn đang chuẩn bị mua host ở nhà cung cấp nào đó thì hãy lên Google gõ “tên nhà cung cấp + refund” (ví dụ: MediaTemplate refund) để tìm ra trang chứa thông tin liên quan đến hoàn tiền, còn nếu dùng dịch vụ ở Việt Nam thì tìm bằng tiếng Việt.
Nếu bạn cảm thấy sau khi mua mà không hài lòng hoặc không cần sử dụng thì gửi ticket yêu cầu hoàn tiền và họ sẽ tắt dịch vụ của bạn kèm theo hoàn trả lại số tiền.
V. Hệ điều hành Linux và Windows
Khi chọn host để chạy website WordPress, bạn cần nắm bắt được nên chọn Linux Hosting hay Windows Hosting. Cả hai loại host này đều có kết cấu kỹ thuật hoàn toàn giống nhau nhưng sẽ khác nhau ở phần hệ điều hành.
WordPress hoạt động tốt nhất trên các hệ điều hành sử dụng hạt nhân Linux chứ không phải Windows. Host sử dụng Windows có thể chạy được WordPress nhưng rất dễ bị lỗi và không đạt tiêu chuẩn của WordPress.
Nếu bạn dùng các Shared Host kể trên thì 100% các gói host của họ đều sử dụng hạt nhân Linux cho hệ điều hành.
Khi bạn mua VPS hay Dedicated Server, thì họ sẽ hỏi bạn chọn hệ điều hành nào. Trong đó họ không hề ghi Linux hay Windows mà sẽ ghi là:
- CentOS (Linux)
- Ubuntu (Linux)
- Debian (Linux)
- Fedora (Linux)
- Windows Server
- ….
Và những cái tên như CentOS, Ubuntu,…chính là tên hệ điều hành. Đa phần hiện nay người ta dùng CentOS là nhiều nhất vì thế nên khi thuê server bạn cứ chọn CentOS cho chắc chắn. Phần này mình sẽ nói rõ hơn ởCẩm nang mua và sử dụng VPS.
Tóm lại, khi mua host cho WordPress thì hãy chọn Linux.
Lời kết
Mình nghĩ tới đây thì đã đủ các thông tin mà bạn cần biết khi sử dụng và mua host rồi. Còn chi tiết các phần cẩm nang riêng dành cho Shared Host, VPS Hosting,…mình sẽ có bài viết riêng nên bạn có thể xem riêng ở đó.
Hy vọng các thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn và làm bạn hiểu hơn về thế giới hosting, nếu bạn còn thấy thiếu sót chỗ nào thì hãy bổ sung thêm cho mình nhé vì kiến thức là vô tận.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét